Content Marketing có giá trị là chìa khóa giúp gia tăng doanh số, tận dụng tối đa các nguồn lực và ghi dấu các thông điệp lâu dài trong tâm trí khách hàng.
Tuy nhiên, nếu chỉ làm theo số đông mà thiếu định hướng rõ ràng thì content của bạn sẽ không đem lại hiệu quả cao.
Do đó, trước khi triển khai content, hãy dành thời gian xây dựng cho mình một chiến lược và kế hoạch Content Marketing sắc bén và nhất quán!
Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu thì đừng lo vì Tiếp Thị Tử Tế sẽ đồng hành cùng bạn xuyên suốt quá trình xây dựng chiến lược và kế hoạch Content Marketing!
Hiểu về chiến lược và kế hoạch Content Marketing
Content Marketing là gì?
Theo Content Marketing Institute, tiếp thị nội dung là một phương pháp tiếp thị chiến lược tập trung vào việc tạo và phân phối nội dung có giá trị, phù hợp và nhất quán để thu hút và giữ chân đối tượng được xác định rõ ràng — và cuối cùng là thúc đẩy hành động có lợi của khách hàng.
Chiến lược Content Marketing là gì?
Theo Content Marketing Institute, về cốt lõi, chiến lược content marketing là “lý do vì sao”. Vì sao bạn tạo ra nội dung, bạn đang giúp ai và bằng cách nào mà không ai làm được. Các tổ chức thường sử dụng tiếp thị nội dung để xây dựng khách hàng và đạt được ít nhất một trong những kết quả có lợi như: tăng doanh thu, giảm chi phí hoặc có khách hàng tốt hơn.
Do đó, chiến lược Content Marketing phải đảm bảo có mục tiêu, có đối tượng, nhất quán thông điệp, đa dạng hình thức, đa kênh (đa điểm chạm) và tần suất nhằm truyền tải thông điệp của thương hiệu.
Kế hoạch Content Marketing là gì?
Kế hoạch Content Marketing là quá trình sắp xếp nội dung phù hợp với chiến lược tổng thể của nhóm tiếp thị, xác định nội dung bạn sẽ tạo và đặt thời hạn để hoàn thành nội dung đó nhằm tiếp cận đối tượng tiềm năng và gia tăng nhận thức về thương hiệu, tăng doanh số bán hàng, mức độ tương tác và lòng trung thành.
Xây dựng Chiến lược Content Marketing
Bước 01: Đặt mục tiêu SMART
“SMART” là từ viết tắt mô tả các đặc điểm quan trọng nhất của mục tiêu:
- Specific (cụ thể)
- Measurable (có thể đo lường)
- Attainable (có thể đạt được)
- Relevant (thực tế)
- Time-bound (có giới hạn thời gian)
Do đó, mục tiêu SMART là những mục tiêu cụ thể mà bạn muốn đạt được trong một khoảng thời gian nhất định.
Ví dụ, mục tiêu SMART về việc tăng lưu lượng truy cập blog: Thay vì mục tiêu chung chung như “Tăng lưu lượng truy cập blog”, bạn nên đặt mục tiêu SMART như:
Dựa trên ví dụ này, bạn có thể tự đặt ra mục tiêu cho chiến lược content marketing của mình. Một số lưu ý khi viết mục tiêu SMART:
- Sử dụng từ ngữ cụ thể, tránh mơ hồ
- Xác định mục tiêu có thể đo lường được
- Hướng tới các mục tiêu có thể đạt được trong thực tế
- Đặt các mục tiêu liên quan đến mục tiêu kinh doanh tổng thể của công ty và xu hướng hiện tại trong ngành
- Đặt KPI cụ thể và giới hạn thời gian
Bước 02: Xác định KPI – chỉ số để đo lường hiệu quả
KPI là các điểm dữ liệu có thể định lượng mà bạn có thể sử dụng để đo hiệu suất thực tế so với mục tiêu của mình.
Giống như việc đặt mục tiêu, xác định KPI cũng cần đảm bảo nguyên tắc SMART.
Không phải bài content nào cũng được đo lường bằng like, comment, share. Với các content nhằm mục đích bán hàng cho nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể, nhiều like không có nghĩa là content đó hiệu quả!
Ví dụ, nếu như bài viết của bạn có nội dung là “Mình sắp tổ chức một webinar chia sẻ về ăn uống lành mạnh, bạn nào quan tâm thì inbox cho mình nhé”, bạn nên tập trung vào chỉ số inbox (hoặc liên quan tới inbox) và không cần quan tâm nhiều đến số lượt thích, bình luận hay chia sẻ.
Điều này sẽ giúp bạn biết được đâu là mục tiêu cuối cùng bạn cần nhắm tới và không quá bận tâm vào những chỉ số chỉ mang tính bề nổi!
Bước 03: Xác định và thấu hiểu khách hàng mục tiêu
Ai là khách hàng của bạn?
“Biết người biết ta trăm trận trăm thắng!”. Trước khi xây dựng bất kỳ chiến lược content marketing nào, hãy xác định khách hàng mục tiêu của bạn. Từ đó cung cấp nội dung phù hợp và đáp ứng đúng nhu cầu của họ!
Có 03 nhóm khách hàng chính:
Ví dụ, bạn đang muốn bán thực phẩm sạch ở một khu dân cư, 03 nhóm khách hàng của bạn có thể là:
- Nhóm 01 – khách hàng tiềm ẩn: những người quan tâm đến sức khỏe tinh thần.
- Nhóm 02 – khách hàng tiềm năng: những người quan tâm đến sức khỏe thể chất.
- Nhóm 03 – khách hàng tiềm lực: những người quan tâm đến thực phẩm lành mạnh.
Sau khi xác định được 03 nhóm khách hàng, bạn hãy tham khảo bảng phân tích khách hàng dưới đây:
Để có được những thông tin này, bạn có thể dựa trên nhiều hoạt động khác nhau như:
- Tiến hành khảo sát, phỏng vấn khách hàng tiềm năng hoặc khách hàng cũ
- Nghiên cứu từ khóa tìm kiếm
- Theo dõi phản hồi, nhận xét và tương tác của khán giả
- Nghiên cứu chân dung khách hàng từ đối thủ trực tiếp hoặc gián tiếp
- Sử dụng dữ liệu từ các bộ phận sales, chăm sóc khách hàng, v.v.
- Tạo chân dung khách hàng
Cụ thể dưới đây là hai phương pháp phổ biến giúp bạn xác định được nhu cầu của khách hàng:
Cách 1: Dựa trên các từ khóa tìm kiếm
Những gì khách hàng tìm chính là những gì họ muốn và từ khóa tìm kiếm của khách hàng xuất phát từ chính nhu cầu của họ! Do đó, hãy tìm chủ đề dựa trên keyword (từ khóa) mà khách hàng thường xuyên tìm kiếm trên Internet.
Bạn có thể tham khảo 03 bước sau:
- Bước 01: Truy cập vào Google Keyword Planner, Keyword Tool hoặc trang web tìm từ khóa tương tự.
- Bước 02: Gõ các từ khóa mà bạn muốn tìm kiếm.
- Bước 03: Sau khi Google đưa ra kết quả liên quan, hãy lọc các từ khóa có nhiều lượt tìm kiếm. Đó chính là những gì mà khách hàng quan tâm!
Nếu như bạn đã có tài khoản chạy quảng cáo hoặc nâng cấp lên phiên bản mất phí thì bạn sẽ thu được nhiều kết quả chính xác với doanh nghiệp của bạn hơn.
Cách 2: Khảo sát chủ đề mà khách hàng quan tâm
Hành vi share (chia sẻ) bài đăng lên trang cá nhân thường xuất phát từ động cơ mượn bài share để thể hiện quan điểm của cá nhân họ với những người khác, hoặc sâu hơn nữa là thông qua nội dung bài share để thể hiện con người họ.
Vì vậy, dựa vào những nội dung mà khách hàng chia sẻ gần đây, ta có thể biết được mối quan tâm của họ. Để làm được như vậy, bạn có thể thực hành theo 04 bước dưới đây:
- Bước 01: Truy cập fanpage/ group Facebook của bạn hoặc các nền tảng có nội dung liên quan.
- Bước 02: Truy cập vào trang cá nhân của khoảng 100 – 200 khách hàng có tương tác với những bài viết trên fanpage/ group của bạn.
- Bước 03: Khảo sát khoảng 10 – 20 bài viết để xem gần đây họ thường post (đăng tải)/ share (chia sẻ) về nội dung gì trên trang cá nhân của họ.
- Bước 04: Chọn ra 03 mối quan tâm nhất của khách hàng bằng cách tự hỏi liệu khách hàng có thực sự quan tâm và muốn tương tác với chủ đề này không.
Lưu ý, hãy chọn ra 03 mối quan tâm và 01 Insight tương ứng với 03 mối quan tâm đó.
Ví dụ, sau khi khảo sát các khách hàng của thương hiệu thực phẩm sạch, chúng ta nhận thấy Insight của khách hàng là: “Cuộc sống hạnh phúc là khi khỏe mạnh cả thân, tâm và trí”.
Từ đó, chúng ta có thể vẽ được mô hình thấu hiểu đối tượng dưới dây:
Bước 04: Xác định thông điệp mà bạn muốn nói với khách hàng của bạn
Bạn có rất nhiều điều muốn nói với khách hàng.
Nếu như nhắc đến quá ít thông điệp thì khách hàng sẽ khó tưởng tượng ra được chân dung thương hiệu.
Ngược lại, nếu như có quá nhiều thông điệp thì khách hàng sẽ bị loạn và không hình dung được chân dung của thương hiệu.
Do đó, bạn chỉ nên xác định duy nhất 01 thông điệp chính và 03 thông điệp phụ.
Thông điệp chính có thể là sứ mệnh của doanh nghiệp, là lý do mà doanh nghiệp của bạn tạo ra sản phẩm/ dịch vụ đó. Thay vì đi theo thứ tự thông thường từ What đến Why, bạn nên đi theo hướng ngược lại – bắt đầu từ Why (lý do)!
Ví dụ:
Từ Insight: “Cuộc sống hạnh phúc là khi khỏe mạnh cả thân, tâm và trí”, bạn có thông điệp chính là: “Chúng tôi tin rằng cuộc sống hạnh phúc là khi bạn khỏe mạnh từ bên trong ra bên ngoài, bao gồm cả thân, tâm và trí”.
Sau khi có thông điệp chính, bạn hãy tự hỏi: để tạo ra thông điệp chính đó, ta cần 03 thông điệp nhỏ là gì?
Lưu ý, 03 thông điệp nhỏ của bạn phải tương ứng với từng tệp khách hàng và căn cứ vào Insight cũng như thông điệp chính.
Nếu chỉ nói về lý thuyết thì hơi khó hiểu, hãy cùng quay lại ví dụ về doanh nghiệp thực phẩm sạch dưới dây.
- Với nhóm khách hàng quan tâm đến sức khỏe tinh thần, chúng ta có thông điệp 01: “Âm nhạc giúp tinh thần bạn vui vẻ và lạc quan”.
- Với nhóm khách hàng quan tâm đến sức khỏe thể chất nói chung, chúng ta có thông điệp 02: “Tập luyện Yoga giúp bạn khỏe thể chất”.
- Với nhóm khách hàng quan tâm đến thực phẩm lành mạnh, chúng ta có thông điệp 03: “Nguồn gốc thực phẩm sạch giúp bạn khỏe mạnh từ bên trong”.
Khi triển khai, bạn sẽ không nói trực tiếp về thông điệp chính mà chỉ tập trung vào 03 thông điệp nhỏ, từ đó để khách hàng tự cảm nhận thông điệp chính.
Bước 05: Xác định chủ đề content
Có 02 sai lầm mà nhà tiếp thị hay gặp phải:
(1) Chỉ nói về bản thân công ty mình, không biết khách hàng muốn nghe gì nên không chạm được đến khách hàng.
(2) Chỉ nói về những thứ khách hàng quan tâm nên không truyền tải được thông điệp nào hoặc thậm chí truyền tải sai thông điệp của thương hiệu.
Làm thế nào để content của bạn “chạm” đến mối quan tâm của khách hàng?
Thực tế, nếu bạn muốn content hiệu quả thì mỗi content của bạn đều phải đảm bảo vừa truyền tải được thông điệp của thương hiệu, vừa thu hút sự quan tâm của khách hàng mục tiêu và vừa phải tạo ra sự chuyển đổi.
Và để làm được như vậy, hãy tự xây dựng mô hình “2 vòng tròn” chiến lược cho doanh nghiệp của bạn.
Đây là sơ đồ xây dựng chiến lược nội dung với hai vòng tròn, cụ thể:
Hai vòng tròn chiến lược sẽ giúp bạn:
- Chuyển biến nội dung thành doanh số
- Nuôi dưỡng nhóm khách hàng tiềm năng và khách hàng ủng hộ doanh nghiệp
- Đảm bảo tính nhất quán và tính hấp dẫn trong nội dung, giúp khách hàng dễ nhận biết thương hiệu.
Với mô hình “02 vòng tròn” chiến lược, chúng ta sẽ bắt đầu từ bên trái và kết thúc ở bên phải – nghĩa là khi tạo một nội dung, chúng ta phải chắc chắn nội dung đó khách hàng thích và trong nội dung phải khéo léo chèn thông điệp thương hiệu vào.
Từ bước 03 – thấu hiểu khách hàng và bước 04 – xác định thông điệp, chúng ta sẽ xác định được 03 chủ đề content chính cần sản xuất.
Tuy nhiên chủ đề mà bạn chọn ra phải đảm bảo rằng đây vừa là điều mà khách hàng quan tâm, vừa truyền tải được thông điệp của thương hiệu.
Ví dụ:
- Với nhóm 01 – khách hàng quan tâm đến sức khỏe tinh thần và thông điệp 01 – “Âm nhạc giúp tinh thần bạn vui vẻ và lạc quan”, chúng ta có chủ đề “Đại nhạc hội”.
- Với nhóm 02 – khách hàng quan tâm đến sức khỏe thể chất và thông điệp 02: “Tập luyện Yoga giúp bạn khỏe thể chất”, chúng ta có chủ đề “Tập yoga”.
- Với nhóm 03 – khách hàng quan tâm đến thực phẩm lành mạnh và thông điệp 03: “Nguồn gốc thực phẩm sạch giúp bạn khỏe mạnh từ bên trong”, chúng ta có chủ đề “Người nông dân”.
Từ những chủ đề, chúng ta có thể đưa ra các định dạng nội dung triển khai cụ thể hơn như “Tổ chức đại nhạc hội định kỳ tại khu dân cư nơi doanh nghiệp bán thực phẩm sạch”, “Tổ chức cộng đồng tập yoga cho dân cư xung quanh cửa hàng”, “Hình ảnh người nông dân chăm sóc rau”.
Bước 06: Phân bổ chủ đề content lên hành trình trải nghiệm
Mỗi doanh nghiệp sẽ có chủ đề, chiến lược và đặc tính khác nhau. Do đó, cách phân bổ chủ đề content marketing trên hành trình trải nghiệm của khách hàng cũng khác nhautùy thuộc vào nguồn lực, mục tiêu và đặc tính ngành nghề.
Thế nào là trải nghiệm khách hàng?
Trong thị trường cạnh tranh hiện nay, nếu như các nhà tiếp thị chỉ tập trung tiếp thị đến hết giai đoạn khách hàng hành động (action) thì doanh nghiệp có thể mất khách hàng bất cứ lúc nào.
Do đó, chúng ta cần tập trung vào trải nghiệm khách hàng – “tổng thể tất cả những trải nghiệm mà một khách hàng có được trong mối quan hệ với nhà cung ứng hàng hóa và sản phẩm/ dịch vụ trong suốt quá trình mà hai bên có mối quan hệ mua bán hàng hóa với nhau” (Pine & Gilmore, 1998).
Do đó, với mô hình 6 điểm chạm lớn dưới dây, các nhà tiếp thị có thể dễ dàng thực thi và nắm được chuyển biến giữa các điểm chạm.
Điều gì sẽ tác động đến quyết định của khách hàng?
02 quy luật:
- Lặp lại nhất quán
- Cuốn hút
Nếu như bạn lặp đi lặp lại một cách nhất quán như kim chỉ nam. Mỗi lần lặp lại vẫn khiến mọi người cảm thấy thú vị thì nó sẽ đi vào tiềm thức và ảnh hưởng vô thức đến hành vi của khách hàng.
Nên phân bổ content trên hành trình trải nghiệm khách hàng như thế nào?
Ở mỗi điểm chạm, bạn cần xác định 03 điều:
- Ở điểm chạm này, khách hàng của bạn thích/ muốn điều gì?
- Bạn nên cung cấp nội dung nào trong ba chủ đề content tại điểm chạm đó?
- Với chủ đề đã chọn, bạn nên triển khai trên kênh nào?
Một chủ đề content marketing có thể chạm được rất nhiều điểm trên hành trình trải nghiệm của khách hàng.
Tuy nhiên, thay vì cố để hoạch định một chủ đề content cho quá nhiều điểm chạm, hãy chỉ tập trung phân bổ 01 chủ đề vào 01 điểm chạm phù hợp nhất và áp số liệu để đo.
Đồng thời đảm bảo khách hàng đi từ đầu đến cuối hành trình trải nghiệm vẫn nhận ra thương hiệu.
Bước 07: Chọn kênh phân phối và tối ưu content
Chọn kênh phân phối
Khi bạn đã thấu hiểu khách hàng và có chủ đề chính, đã đến lúc chọn các kênh nội dung cụ thể.
Bất kể kênh phân phối nội dung của bạn là gì, hãy đảm bảo nội dung bạn đăng trên mỗi kênh phải phù hợp với bố cục của nền tảng, hành trình mua hàng của khách hàng và loại sản phẩm mà bạn cung cấp.
Một số kênh phổ biến mà bạn có thể tham khảo như Facebook, Instagram, TikTok, v.v.
Bạn có thể thử nghiệm các kênh mới hoặc dựa trên phân tích các chiến dịch trước đó để tìm ra các nền tảng đem lại hiệu quả cao nhất!
Tạo và phân phối nội dung
Một từ khóa có thể ra hàng triệu kết quả.
Content marketing tầm trung hoặc content không đủ chất lượng sẽ không giúp bạn lên top, ngay cả khi có sự giúp đỡ của SEO!
Do đó, thay vì nghĩ mỗi kênh một ý tưởng riêng, hãy chỉ tập trung vào một ý tưởng rồi triển khai nó thật xuất sắc để content của bạn xứng đáng nằm trên top tìm kiếm.
Sau khi content đã lọt top tìm kiếm, hãy tận dụng tối đa bằng các nhân bản content này lên các kênh khác thông qua việc biến đổi ngôn ngữ hoặc hình thức của content.
Để làm được điều này, hãy thực hiện theo các bước dưới đây:
Chọn từ khóa và lên ý tưởng nội dung
Để tìm được từ khóa và nội dung cho bài viết trên website, chúng ta cần đặt ra câu hỏi: Khách hàng muốn tìm hiểu về sản phẩm của mình thì họ sẽ tìm kiếm bằng từ khóa gì?
Ví dụ: khách hàng phân vân “không biết nên bọc răng sứ hay dán sứ”, họ tìm kiếm với từ khóa “bọc răng sứ hay dán sứ”; còn doanh nghiệp của bạn có thông điệp là “nụ cười làm nên thành công”. Kết hợp hai yếu tố này, bạn có thể viết các nội dung như “Bọc răng sứ hay dán sứ sẽ bền đẹp hơn?”, “05 điều ảnh hưởng đến nụ cười khi bọc răng sứ hay dán sứ”, v.v.
Lưu ý: Tiêu đề bài viết của bạn phải súc tích (khoảng 65 ký tự), ưu tiên các con số và các tính từ cụ thể.
Lên chiến lược tối ưu content
Đầu tiên, hãy lấy Website và Youtube làm trung tâm!
Vì sao ư? Các mạng xã hội khác sẽ giảm tương tác chỉ sau vài ngày nếu không chạy quảng cáo. Còn Youtube và Google – hai công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới vẫn sẽ đánh giá cao content của bạn nếu như nội dung của bạn chất lượng!
Với một ý tưởng chính, bạn có thể nhân bản content marketing lên các kênh chính – phụ linh hoạt. Điều này sẽ giúp bạn tận dụng nguồn lực của các kênh và của nhân sự, đồng thời giúp cho nội dung trên mọi kênh (tuy có khác nhau về tính chất) nhưng vẫn đồng nhất về tính cách và định vị thương hiệu.
Ví dụ, bạn xác định kênh Youtube, Website là kênh chính và Fanpage, TikTok và Instagram là kênh phụ. Với bài viết “05 tiêu chí tác động đến nụ cười của bạn khi bọc răng sứ hoặc dán răng sứ”, bạn có kế hoạch tối ưu như sau:
Bên cạnh đó, để tăng tính đa dạng nội dung tiếp thị, bạn có thể sử dụng nhiều loại hình nội dung khác nhau. Đồng thời đáp ứng đúng ý định tìm kiếm của khách hàng và đảm bảo tính nhất quán!
Kết luận
Abraham Lincoln từng nói: “Nếu cho tối 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu”.
Trên đây là 07 bước quan trọng nhất để bạn bắt đầu xây dựng chiến lược và kế hoạch Content Marketing.
Tiếp Thị Tử Tế mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp bạn có một chiến lược cụ thể. Từ đó phát triển kinh doanh và xây dựng thương hiệu bền vững trong tâm trí khách hàng.
Tuy nhiên, những chia sẻ này sẽ chỉ là lý thuyết nếu như bạn không áp dụng!
Do đó, hãy nhớ rằng “Không lập kế hoạch chính là lập kế hoạch để thất bại” và dành thời gian “mài rìu” với content marketing trước khi “chặt cây” bạn nhé!
Đọc thêm các bài viết liên quan khác tại: https://tiepthitute.com//08-ky-nang-ban-can-de-quan-ly-nhom-hieu-qua/